Trang sinh hoạt của Cựu Giáo Sư và Học Sinh trường Trung Học Cường Đễ Qui Nhơn

Đàn Ai Nức Nở

Hôm đó là một buổi sáng mùa xuân nhẹ nhàng và trong trẻo. Tôi bước xuống xe lúc mới bảy giờ rưỡi sáng . Ngòai trời hơi lạnh và có mưa bay lất phất. Khung cảnh cái thôn nhỏ của người Chăm này gợi nhớ đến một ngôi làng Ấn Độ trong thơ của Tagore. Những cô thiếu nữ xinh đẹp mặc sa rông với màu sắc nhẹ nhàng tao nhã, những thầy Trang mặc áo trắng dài đến chân, đầu quấn khăn có những tua chỉ ngủ sắc cùng hoa văn trông thật kỳ bí và những bà cụ bỏm bẻm nhai trầu làm cho tôi cứ tò mò nhìn mãi…

Đường quanh co nhiều lối rẽ , hỏi thăm hồi lâu , tôi mới tìm được cái ngỏ trúc dẫn vào nhà của bạn tôi. Căn nhà nằm biệt lập tận cuối xóm nhìn ra một đám bắp đang đậu trái le hoe, xa hơn là một vườn thanh long khỏang vài trăm cây đang mùa trái chín với những trái thanh long đỏ mượt mà hấp dẫn , khung cảnh tuy đẹp nhưng có hơi buồn đối với những ai không quen sống ở miền quê. Bạn tôi hôm đó được nghỉ vì là ngày Chủ Nhật. Bạn tiếp tôi thật là hồ hởi với một tách trà thơm và một dĩa bánh gừng nóng hổi.

Chúng tôi vui vẻ hàn huyên , hết chuyện này sang chuyện nọ lan man không dứt . Căn nhà vắng lặng không thấy một ai lai vãng đến. Trong căn phòng khách tuy nhỏ bé nhưng gọn gàng này, chúng tôi nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa. Hơn ba năm không gặp, Tấn trông có vẻ già dặn hơn trước. Chàng thư sinh công tử trong đám bạn ba đứa chúng tôi ngày còn học đại học sau khi lập gia đình bổng mang đậm nét phong trần rắn rỏi với nước da có vẻ đen xạm hơn trước, nhưng cũng làm cho Tấn mang một dáng dấp đàn ông hơn, dễ tin cậy hơn. Hỏi thăm Tấn chuyện vợ con , Tấn khẻ cười chỉ lên tấm hình một cô gái xinh đẹp treo trên tường mà bảo:

_ Tụi mình chưa có con. Đó là hình Huyền Trân, vợ mình. Hôm nay cô ấy đi thăm một cô bạn ở xa, đến chiều mới về nhà…

Chúng tôi cùng nhau ăn bánh uống trà, rồi kể cho nhau nghe những thay đổi trong cuộc đời mình. Tôi kể cho Tấn nghe những mối tình nhẹ như sương khói của mình, rồi theo yêu cầu của tôi, Tấn chậm rãi kể lại cho tôi nghe mối tình ly kỳ của Tấn, một mối tình Chăm-Việt rất đẹp mà tôi cũng đã từng nghe qua theo lời kể sơ lượt của vài người bạn……………..

Lớp học sau giờ ra chơi thật ồn ào. Hình như mười lăm phút ra chơi chẳng đủ cho các cô cậu học sinh xả bớt những dồn nén trong lòng sau hơn chín mươi phút vật lộn với các môn học đầy gai góc. Hết Tóan , Lý rồi bây giờ lại là môn Tiếng Anh. Trở lại lớp học , bầu không khí vẫn còn sôi động đến nỗi Tấn phải gõ thước kẻ lên bàn mới giữ được trật tự.

_ Huyền Trân lên dò bài…

Cô học trò người Chăm bước lên gần bàn giáo viên. Đôi mắt đen huyền mở to ngơ ngác như mắt một lòai nai lạ, với đôi lông mày như cánh phượng và làn mi cong vút đủ làm chết đuối khách đa tình…Mặt sáng như trăng rằm, cổ cao đài các và dáng dấp xinh đẹp như người mẩu , Huyền Trân trả lời đầy đủ những câu hỏi của Tấn với một giọng nói lảnh lót mang đầy âm hưởng của người Chăm…Không dám nhìn thẳng vào Huyền Trân , Tấn cứ nghe tim mình bồi hồi rung động vì vẻ đẹp của cô học trò vừa xinh xắn, vừa học giỏi….

Tấn không biết có phải mình đã yêu Huyền Trân hay chưa ? Trân còn bé quá, lại là con gái Chăm với truyền thống và tôn giáo khác biệt, hơn nữa Trân lại là học trò của mình. Rồi mọi người sẽ nghĩ thế nào nếu thấy ông thầy giáo lại tò tò theo đuổi cô học trò lớp mười hai bé bỏng. Nhưng phải công nhận Huyền Trân đẹp tuyệt. Vẻ đẹp của nàng cứ lồ lộ ra như một bông hoa tràn trề hương sắc. Bao nhiêu là ong bướm cứ chập chờn chung quanh đóa trà mi này. Chỉ nghĩ đến việc cậu học trò nào đó làm quen và trở thành bạn trai của Huyền Trân là Tấn lại thấy buồn day dứt…

_ Rồi làm sao bạn bày tỏ được mối tình của mình . Tôi hỏi.

_ Cũng nhờ cây đàn Kanhi. Tấn nheo mắt trả lời.

Nếu không có cây đàn Kanhi thì không bao giờ Tấn làm quen được với Huyền Trân và gia đình bên vợ. Sự việc xảy ra thật tình cờ. Anh bạn người Hàn quốc của Tấn đang công tác tại thị trấn này vốn là nghiên cứu sinh khoa âm nhạc truyền thống các nước châu Á. Khi anh bạn ngỏ lời nhờ Tấn tìm một người biết sử dụng đàn Kanhi nhuần nhuyển để anh ta thu băng và nghiên cứu nhạc lý, Tấn đồng ý giúp. Và người giới thiệu ông Tư Bổ, nhạc công đàn Kanhi của ban nhạc xóm Chăm này lại chính là Huyền Trân. Nhà Huyền Trân ở ngay sát vách nhà ông Tư Bổ. Cứ mỗi đêm khi Tấn đưa anh bạn Park Chang Kun đến nhà ông Tư học nhạc thì Tấn cũng sang nhà Huyền Trân để …chỉ cho Trân học thêm môn tiếng Anh.

Đẹp nhất là những đêm trăng sáng . Nó đọng lại trong ký ức của Tấn một kỷ niệm đẹp đến não nùng. Ngòai hiên nhà là bóng trăng vằng vặc và tiếng đàn Kanhi như cứ lung linh, lung linh…Còn bên bàn học là gương mặt mê hoặc của Huyền Trân , ánh mắt thơ ngây , nụ cười trinh nữ…Có lúc Tấn ngừng giảng, say sưa nhìn Huyền Trân như kẻ mất hồn, còn Huyền Trân thì e thẹn cúi đầu ,tay mân mê bìa sách, cảm thấy lòng vừa thích thú vừa lo sợ bâng quơ……

Nhưng chỉ đến khi Huyền Trân thi đổ tốt nghiệp trung học và trúng tuyển vào trường Cao Đẳng Y Tế ở tỉnh thì Tấn mới công khai mối tình của chàng với Huyền Trân. Cứ mỗi cuối tuần ,Tấn lại đi xe máy vào trường chở Trân về nhà. Hai đứa khắn khít bên nhau không lúc nào rời. Tình yêu giữa hai người thật lạ lùng. Sự cách biệt giữa thầy và trò, giữa gái Chăm trai Việt không ngăn cản họ ngày càng gắn bó với nhau hơn.

_ Huyền Trân, ai nich tày lô…Tày nich ai lấy ?…….

Tấn hay hỏi Huyền Trân câu này khi hai đứa ngồi cạnh nhau bên bờ ao lồng lộng gió chiều. ” Anh yêu em nhiều lắm, em có yêu anh không?” là câu hỏi mà Tấn lập đi lập lại hàng nghìn lần, không biết chán. Mỗi lần nghe Tấn hỏi mình câu hỏi đó, Huyền Trân lại đỏ mặt lên, cúi đầu khẻ liếc người yêu , còn tay thì bứt sạch những lá cỏ non sát chổ nàng ngồi. Mùi hương con gái tỏa ra ngan ngát làm tâm hồn Tấn như phiêu diêu vào trong cỏi mộng không còn biết lối ra…

Rồi thì lễ hỏi của hai đứa cũng diễn ra. Lúc đầu, mẹ của Tấn nghe theo lời bà con họ hàng, kiên quyết không chịu làm suôi gia với gia đình người Chăm. Nhưng rồi thương con, sau cùng bà chấp thuận. _ Tội nghiệp, con nó đã mồ côi cha từ nhỏ phải sinh sống với mẹ , hẩm hút cháo rau cho đến khi ăn học thành tài và làm thầy giáo , ta nở nào ngăn cản mối lương duyên của nó !_ Bà thầm nghĩ. Lễ hỏi và rồi lễ cưới lần lượt được tổ chức theo nghi thức truyền thống của người Chăm. Tấn nghiễm nhiên trở thành ” cô dâu ” khi gia đình của Huyền Trân qua hỏi cưới. Rồi sau đám cưới, Tấn dọn về nhà vợ sống cuộc đời …ở rể. Nghĩ đến phong tục kỳ lạ, đôi khi Tấn bật cười một mình, nhưng rồi mọi thứ trở thành thói quen, và chiều chiều , hai vợ chồng lại ngồi âu yếm bên cạnh bờ ao sau khi Huyền Trân giặt áo. Và cứ mỗi lần Tấn hỏi câu tiếng Chăm: Ai nich tày lô. Tày nich ai lấy…? thì Huyền Trân không còn mắc cở bứt sạch các cọng cỏ sát chổ nàng ngồi, nhưng nàng lại ngả đầu vào lòng Tấn, đôi mắt lim dim tràn đầy hạnh phúc…

Tấn như Từ Thức lạc vào cõi tiên. Một năm hoa mộng trôi qua nhẹ nhàng như điệu đàn Kanhi mà ông Tư Bổ ở sát bên nhà thường trổi lên vào những đêm khuya thanh vắng. Điệu đàn cứ nức nở như khuấy động những nổi niềm thầm kín riêng tư…Huyền Trân rất thích nghe điệu đàn này .Trái lại, Tấn không thích tiếng đàn nhị hai dây này chút nào cả.. Chàng cho là tiếng đàn buồn quá, tiếng đàn nức nở cứ làm cho chàng liên tưởng đến tiếng đàn cò của người Kinh trong những lễ tang, chàng còn cho là tiếng đàn này chỉ mang lại cho chàng những điều xui xẻo mà thôi…

Cứ mỗi đầu tháng mười là người Chăm tổ chức ăn Tết Katê. Lễ hội này thường diễn ra nhiều ngày, lần lượt hết nhà này sang nhà khác tổ chức tiệc tùng và đàn ông, con trai ở xóm này thường say bí tỉ. Từ dạo về đây, Tấn có nhiều bạn bè cùng xóm.Đa số họ là những thanh niên làm nông, mỗi chiều xong việc đồng áng, hoặc những lúc nông nhàn, họ lại có thú vui tụ tập chè chén say sưa. Lúc đầu Tấn ít tham gia vào việc nhậu nhẹt vô bổ, mất thời gian này . Nhưng qua một mùa Tết Katê năm ngóai, Tấn tự nhiên đâm ra mê nhậu nhẹt. Có đêm Tấn đi nhậu với bạn đến khuya mới trở về nhà, chân nam đá chân xiêu. Huyền Trân buồn ra mặt. Lúc đầu Trân nhẹ nhàng khuyên Tấn nên hạn chế những cuộc rượu chè với các bạn trai cùng xóm, nhưng rồi thấy Tấn vẫn không biến chuyển, hai vợ chồng bắt đầu cãi nhau và giận nhau thường xuyên…

Một trưa thứ bảy nọ, mãi mê quá chén, Tấn cứ liên tục cụng ly với các bạn thanh niên trong một căn nhà đầu ngõ. Rượu Nùng thật bốc cùng với món ếch quay vàng rụm làm cả bọn cứ đưa ly hò hét ” dô dô” không ngớt, làm cho Tấn thấy cuộc đời bổng dưng trở nên nhỏ xíu và quên mất việc vợ dặn phải về sớm để cùng nhau qua nhà ba mẹ vợ chúc tết Katê. Mãi đến khi trời gần xế bóng  thì Tấn mới sực tỉnh cơn say, vội vàng từ giả các bạn ra về. Cơn say chóang váng làm Tấn chỉ nhớ được lóang thoáng tiếng Huyền Trân khóc lóc, tiếng nứt nở sụt sùi và sau đó Tấn lăn ra ngủ vùi không còn biết trời trăng gì nữa…

Khi Tấn tỉnh dậy thì trời đã sụp tối. Tấn cứ nằm im trên giường và lắng tai nghe từng tiếng động nhẹ chung quanh…Sao bỗng nhiên hôm nay ông Tư Bổ lại trổi lên điệu đàn Kanhi nức nở sớm hơn mọi bữa. Tấn lầm bầm nguyền rủa tiếng đàn buồn bả đó. Rồi Tấn nghe lẫn trong tiếng đàn hình như có tiếng lao xao càng lúc càng lớn ở ao nước bên ngòai nhà sau. Có cả tiếng trẻ em la hét và tiếng đập nước lỏm chỏm. Rồi có tiếng người lớn tiếng bảo nhau ” Nó đó, nó đó, vớt nó lên đi…”

Mồ hôi lạnh túa ra dầm dề, Tấn chòang dậy ngay lập tức. Chàng cố lấy bình tỉnh nhưng không hiểu sao đôi chân chàng hình như quíu lại, súyt nữa chàng té lăn xuống giường… ” Phải rồi,…” Tấn nhanh chóng suy luận…Hồi chiều mình nghe Huyền Trân khóc nức nở . Biết đâu trong khi mình ngủ say, Huyền Trân nghĩ dại, rồi Trân……”

Tấn chạy vội ra khỏi nhà.Đúng rồi, không còn nghi ngờ gì nữa. Đằng sau nhà, phía ao nước , người ta đang xúm đen xúm đỏ , la hét om sòm…Tấn lao nhanh về phía ao nước, nước mắt tuôn ràng rụa trên khuôn mặt. Chàng hét lên : Trân ơi, Trân ơi, chờ anh với…Những người đang xúm quanh ao nước không hề tránh chổ cho chàng , còn chàng thì cứ ráng gạt hết mọi người ra để xông vào. Giữa lúc giằng co, chàng chợt thấy có ai giật giật áo chàng về phía sau. Nhìn lại, thì ra là cậu em vợ tám tuổi của chàng :

_ Anh ơi, người ta vớt …con chó lên rồi …

Tấn ngớ người ra, nửa cười nửa mếu…Thì ra là cái con chó vện cứ mỗi khi xuống nước là chìm…May là trời tối nên không ai thấy cái mặt đầy nước mắt của chàng…Chàng quay lại ôm chặt thằng em vợ, miệng hỏi liên tu bất tận:

_ Chị Trân đâu bé Bảo.

_ Chị qua nhà em từ hồi chiều anh ạ. Nghe chị nói mẹ làm thêm bánh gừng cho anh đó, anh Hai ạ.

Tấn thở phào một hơi nhẹ nhỏm. Chàng vui vẻ xoa má thằng bé rồi bồng nó lên, hai anh em cùng nhau đi kiếm chị Trân…

Không có đêm nào mà Tấn cảm thấy hạnh phúc như đêm hôm nay, chàng trằn trọc mãi vẫn không ngủ được.

Ngoài hiên nhà, những cây chuối xào xạc tiếng lá khô nghe bỗng vui tai ra phếch . Tiếng con vạc ăn đêm nào đó đang kêu lên những âm thanh lạc lõng mà sao nghe cũng vui tai nốt. Bên cạnh Tấn, Huyền Trân ngủ với dáng dấp của một con mèo con xinh xắn với nụ cười nở nhẹ trên môi, chắc Trân còn hài lòng với lời xin lổi đầy ăn năn của chồng lúc nãy. Tấn ngồi dậy và ngắm Huyền Trân một cách say sưa. Chàng đưa tay ghì chặt vợ mình vào lòng , như muốn mãi mãi không bao giờ xa rời người mà mình yêu dấu. Huyền Trân ngơ ngác mở mắt nhìn chồng, nàng hỏi trong cơn ngái ngủ :

_ Có gì vậy hả anh?

Tấn mĩm cười. Không có gì đâu, em cứ ngủ đi, em ạ._Rồi chàng ôm xiết Huyền Trân vào lòng. Và trong lúc Huyền Trân mĩm cười ôm nhẹ lấy chồng tiếp tục chìm vào giấc ngủ thì Tấn lắng tai nghe tiếng đàn Kanhi nảo nuột của ông Tư Bổ lại vang lên da diết giữa đêm trường, tiếng đàn cứ nức nở, nức nở, nhưng sao Tấn không còn thấy ghét nó một chút nào cả, trái lại, Tấn thấy tiếng đàn Kanhi hôm nay bỗng dưng nghe thấy thú vị làm sao. …………

Chợ Lầu, đêm 17/1/2010
Ngô Lạp

 

   Số lần đọc: 3166

2 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng viết bình luận của bạn
Vui lòng điền tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả