Viết về mái trường Cường Đễ thân yêu. Tôi phải tự hào còn lưu giữ rất nhiều những kỷ niệm về trường lớp, thầy cô, bè bạn. Thời gian qua mặc dù sống bằng bản năng của loài người, nhưng càng khắc khổ và tuổi càng cao, thì những kỷ niệm là “cành cây hy vọng” để bám víu vào đó sống quãng đời còn lại.
Tôi (bản ngã) sẽ lần lượt viết từng kỷ niệm đó theo hai lối. Một là viết theo thứ tự thời gian từ 1960 – 1967. Hai là viết theo từng thầy, từng cô, gặp đâu viết đó. Đôi khi mình không nhớ ra nhưng có người kể, mình lại liên tưởng và lại nhớ kỷ niệm của mình. Thôi thì chọn theo lối viết thứ hai.
Thưa quý thầy cô và các bạn đồng môn. Những kỷ niệm tôi viết ra đây không hư cấu mà hoàn toàn đúng sự thật thời gian lẫn không gian, mà sự thật thì dễ mích lòng kể cả ngôn ngữ cũng thời điểm đó.
Cô Nguyệt là cô giáo dạy việt văn lớp đệ thất II chúng tôi, cô là vị giáo sư trẻ nhất và nhỏ con nhất trong ban giáo sư lúc đó, các học trò con gái ai cũng lấy mẫu cô làm khuôn vàng thước ngọc. Cô đẹp, tính tình hiền lại thêm giọng nói miền sông Hương núi Ngự nên rất dễ thân thương.
Tôi còn nhớ bài học kim văn đầu tiên cô dạy chúng tôi là bài “Làng Từ Lâm” mà giờ này tôi vẫn còn thuộc y như ngày nào mới nhập học: “Tôi đến một nơi gọi là Từ Lâm, xa xa toàn là núi, núi ngọn nọ ngọn kia không dứt, núi màu lam, buổi sáng buổi chiều mây bay sương phủ. Từ Lâm là một lảng nhỏ ở trên đồi vẻ đặc sắc là rất tĩnh…“
Bài văn hay cô giảng hay thêm giọng Huế truyền cảm như rót từng câu từng chữ vào lòng chúng tôi.
Kỷ niệm thứ hai, hôm ấy cũng là giờ Kim Văn chúng tôi học một trong ba phòng bằng lá dừa vách đất, kiểng báo chúng tôi xếp hàng vào lớp xong mà lớp thì chưa quét. Lý do là như thế này. Ban trực của ngày hôm trước không “bàn giao” chổi, khăn lau bảng, thau nước cho ban trực ngày hôm nay. Cho nên ban trực ngày hôm nay có lý do chính đáng không trực lớp, vì không có “nhạc cụ”. Khi cô Nguyệt bước vào thì… bảng viết cũ chưa lau, giấy vụn đầy phòng bàn ghế còn lộn xộn. Cô Nguyệt vừa bước ra vừa nói: Lớp học như cái chuồng heo. Chúng tôi vừa sợ vừa tức cười mà không dám cười. Anh liên toán trưởng Phạm Xuân Yên cho cả lớp ra ngoài ngồi dưới gốc cây me Tây nơi có treo cái kiểng đợi dọn lớp xong vào học.
Thời gian dần trôi, tình cô trò trở nên thắm thiết, gần gũi hơn thân thương dạt dào như tình mẹ con. Đùng một cái hay tin cô Nguyệt sắp rời trường đi dạy nơi khác, cả lớp chúng tôi buồn rười rượi, không ngờ sự việc xảy ra quá đột ngột. Chúng tôi như hụt hẫng, mất mát một điều gì đó khó diễn tả. Học trò khờ khạo như chúng tôi, làm sao tổ chức được một cái gì để tiễn đưa cô đi. Thôi đành có sao làm vậy. Cũng vào giờ Công Dân sau cùng của cô Nguyệt, anh Lê Đình Luật thì tiễn cô bằng mười hai câu vọng cổ. Tôi không nhớ tên bản vọng cổ là gì, nhưng có câu mở đầu là Nuông-sơ-ry ơi. Có lẽ anh Luật còn nhớ rõ, có dịp anh “meo” về tôi để tôi hát cho vui. Anh Ngô Văn Nguyên hát bài “Tạm biệt người xưa“, anh An hát bài “Về miền Trung“. Chúng tôi hát thật vui. Cuối giờ chúng tôi đề cử anh liên toán phó (tương tự như là lớp phó) đứng lên thay mặt cả lớp chúc cô ra đi khỏe mạnh, có dịp cô về thăm lại chúng em. Hồi đó bọn học trò chúng tôi kính trọng thầy, cô đúng mực. Còn thầy cô cũng tôn trọng chúng tôi thật sự như một cây non mới lớn, chứ không phải khách sáo, cô cũng chúc chúng tôi “các anh chị vui vẻ cố gắng học tập để trở thành người công dân tốt”.
Thưa quý thầy cô, đại danh từ “anh, chị” hầu hết các vị giáo sư đều dùng để xưng hô với chúng tôi chứ không phải riêng gì cô Nguyệt hay thầy Phong, chúng tôi thấy hãnh diện và “nở mũi” quá chừng vì thấy mình mới lên bậc trung học mà đã trở thành người lớn, chỉ thua Phù đổng Thiên vương. Chỉ riêng thầy Đỗ Linh dạy Hán văn rất già mới gọi chúng tôi là “các trò” chứ không gọi là các em, các con hay các cháu gì cả.
Hôm cô tạm biệt chúng tôi ra đi là thứ Hai ngày 27 tháng 8 năm 1962 tức là 28 tháng 7 Nhâm Dần.
Sáng hôm đó là thứ Hai, hai giờ đầu – không gọi là tiết – học Pháp văn, giờ sau là giờ công dân của cô Nguyệt. Sau giờ cô Nguyệt là giờ Vạn Vật của cô Đào được nghỉ.
Phần thầy Đỗ Linh sẽ có một bài viết về thầy kỳ sau.
Ngô Văn Tỏ
CHS Cường Để 1960-1967
Số lần đọc: 2844
Welcome to cuongde.org!!!
Xin hoan nghênh anh Tỏ đã đóng góp một bài hay và cảm động về một cô giáo cũ.
Hi vong là anh sẽ viết thêm về nhiều thầy cô khác.
Cũng hi vọng là bài viết của anh Tỏ sẽ [i]”động viên”[/i] nhiều anh em khác viết về thầy cô cũ của mình. Tấm lòng và chuyện kể là chính, còn [i]”văn chương”[i] thì hay dở không nề, kẹt lắm thì Ban Biên Tập sẽ “gọt dũa” dùm (tây nó kêu là Ghost Writer 🙂 )
Và chính tâm tình của những người trò cũ như vầy mới làm cho trang web cuongde.org khác hơn, đặc biệt hơn vô số những trang web cựu học sinh khác!
Xin cám ơn các bạn.
H.
RE: Nhớ Về Cô Nguyễn Thu Nguyệt
Chào anh Tỏ
Đúng ra là tôi nên đợi các bạn – học trò của cô Thu Nguyệt – cùng chia sẻ những kỷ niệm thân thương về Cô qua bài viết cảm động của anh, nhưng có lẽ những xúc cảm trong tôi làm tôi không đợi được, nên xốc nổi viết vài dòng chia sẻ , mong các bạn bỏ qua.
Không học Cô nhưng đọc bài viết của anh tôi nhớ nhiều đến những giờ Việt Văn xa xưa, đoạn văn về Làng Từ Lâm anh trích, sáng nay bỗng trở về rành rành trong trí nhớ, “Những Đoạn Văn Hay” là một phần thích thú trong giờ Việt Văn, trích những đoạn văn mình yêu thích, nắn nót viết vào vở rồi tô điểm thêm chút màu sắc hoa lá của những cây bút chì học trò rồi thuôc lòng lúc nào không hay.
“Thu năm nay tôi lai đi trên con đường này nghe những chiếc lá rơi trên bờ cỏ. Nước trong như một cặp mắt tuyệt vời, những cây liễu xanh đứng buồn như những nàng cung nữ thời xưa và trong vườn nhà ai thấp thoáng hoa phù dung buổi sáng nở trắng như những linh hồn còn trẻ” là một trong những đoạn văn hay ngày ấy. ( không biết tôi còn nhớ đúng không?)
Cảm ơn anh rất nhiều và mong đọc những kỷ niệm về Thầy Cô, trường xưa, bạn cũ của anh
Dao Chi
Tìm Bạn Ngô Liêm Cần
Bạn Tỏ mến;
Mình trước đây có quen với Ngô Liêm Cân, ở cùng nhà với Tỏ, nhà co cây trứng cá đường Trần Cao Vân. Không biết bây giờ Cần ở đâu? NLC hình như bà con chú bác với Tỏ. Nếu Tỏ biết cho mình vài hàng. Xin cảm ơn. Tim