Thưa quý thầy cô và các bạn đồng môn.
Như trong bài viết về cô Nguyệt tôi đã thưa những kỷ niệm về trường lớp, thầy cô, bè bạn của chúng ta, đều bằng sự thật, mà sự thật thì mích lòng. Cho nên những mích lòng nhỏ nếu có xin quý thầy cô, các bạn nên xem đó là những kỷ niệm vụn vặt đáng nhớ.
Thưa quý thầy cô và các bạn.
Quỹ thời gian của thế hệ chúng ta không còn nhiều, ngoại trừ một số bạn vì chiến tranh đã ra đi vĩnh viễn, số còn lại lớn nhất cũng gần 70, số trẻ nhất như Nguyễn Bá Thắng, tuổi bà mụ hay tuổi tây anh cũng đã 62 rồi, thử hỏi thế hệ thầy cô của mình là bao nhiêu?
Thầy Hiền dạy chúng tôi môn Vạn Vật lớp đệ Lục, được học phòng tường gạch lợp tranh lá dừa xoay về hướng Đông đối diện với dãy đệ thất. Chương trình Vạn Vật đệ Lục là ngành động vật không xương sống. Thầy Hiền vẽ minh họa cho bài giảng của mình rất đẹp. Sau khi dò (kiểm tra) bài cũ là con châu chấu thầy Hiền gọi là con “quào quào” hay con “cào cào” mà quào quào hay cào cào với châu chấu cũng tương tự như nhau. Cũng như ở Việt Nam chúng tôi, chiếu bộ phim đen trắng “Cây xương rồng trên cát”. Khi giới thiệu bộ phim và các tài tử (diễn viên) ở Bình Định, trẻ em chúng tôi hô lên: ủa! cây “bàn chải” mà kêu cây “xương rồng”.
Sách Vạn Vật đệ Lục của Nguyễn Cửu Triệp ghi “...con châu chấu bụng lớn, con đực có 7 khoang, con cái có 9 khoang, khoang thứ 9 là bộ phận sinh dục…“. Thầy Hiền cho ghi toát yếu vào vở: “con quào quào bụng bự…“. Chúng tôi tức cười mà không dám cười, sao mà thương thầy mà sợ thầy dữ vậy. Nên khi trông thấy hoặc bắt đươc một con “quào quào”, “cào cào” hay “châu chấu” thì hình ảnh thân yêu của thầy Hiền lại hiện vào trong tim tôi như vừa ngồi học với thầy hôm qua. Nhờ tính “liên tưởng” (lại triết lý ba xu) bọn học trò chúng tôi đọc tới châu chấu là thuộc quào quào, thuộc quào quào là thuộc bụng bự, thuộc bụng bự là thuộc 7 hay 9 khoang, thuộc 9 khoang lại thuộc bộ phận sinh dục, cứ thế mà thuộc luôn cả bài của thầy chứ không cần học.
Sau khi dò bài quào quào xong là học tiếp bài mới “Ve sầu”. Sau khi giảng bài về ve sầu, đời sống, tập tính, sự biến thái quá lâu dài của ve sầu, nên khi nhô lên khỏi mặt đất ve sầu ca hát suốt mùa hè cho thỏa thích.
Tuần sau dò bài thầy gọi tên ai muốn trả bài cũng được, hoặc là diễn tả bài thơ ở phần đọc thêm “Con ve và con kiến” của Nguyễn Văn Vĩnh dịch thì được điểm cao hơn.
Vậy là có một bạn tôi quên tên, lên ngâm bài thơ “Con ve và con kiến“. Chuyện ngâm thơ học sinh đệ Lục biết gì mà ngâm thơ với thẩn. Vậy mà cũng lên ngâm. Đỡ một điều nhờ thanh âm tiếng Việt, chỗ nào dấu giọng cao là anh lên cao, chỗ nào dấu giọng thấp thì anh xuống thấp và kéo dài ra thành ngâm thơ chứ khó gì đâu!. Đúng là người nước ngoài họ nói “người Việt Nam nói là người Việt Nam đang hát”. Chúng tôi cười thoải mái (hết sợ). Thầy cho điểm rất cao 15/20.
Thấy vậy anh Trần Trí Năng (trong lớp chúng tôi gọi đùa là Trần Trí), cũng nhờ thế mà chúng tôi thuộc Việt sử Trần Trí là ai. Anh Năng lên không thèm ngâm thơ, vì không có tiếng sáo Tô Kiều Ngân phụ họa, anh bèn vừa sáng tác (nhạc sĩ) tại chỗ kiêm luôn cả ca sĩ. Anh hát câu đầu: ve sầu kêu ve ve… Chúng tôi cười vỡ cả lớp. Cụ Nguyễn Văn Vĩnh ơi! Cụ hãy dậy mà nghe nhạc sĩ Trần Trí Năng “phổ nhạc” bài thơ của cụ đây. Cụ ác nghiệt quá! Mới mở đầu bài thơ toàn là vần bằng làm sao anh Năng lên giọng, xuống giọng cho được. Vậy mà vì “miếng cơm manh điểm“, anh phải hát cho hết bài thơ. Thầy Hiền cũng chơi nghiệt để thử “TRÍ” anh “NĂNG”. Thầy bảo anh hát lại nhưng chỉ hai câu đầu thôi. Rút kinh nghiệm lần đầu, lần này anh cố lấy giọng trầm bổng và anh phải kéo dài chữ “suốt” không biết bao nhiêu là nốt tròn. Vì chưa học ký âm pháp của thầy Dương Minh Ninh nên lần sau anh hát không còn giống lần đầu mà trở thành “ve sầu kêu vé vé“. Các bạn tưởng tượng xem, cả lớp như thế nào. Thầy Hiền phải dùng thước để giữ trật tự. Thầy cho điểm anh Năng cao hơn, vì sự cố gắng của anh. Lòng quyết tâm vô biên của anh Năng đã thể hiện ngay từ năm đệ Lục. Đến năm đệ Tứ thì anh đã đàm thoại bằng tiếng Pháp với thầy Lưu Quang Sang rất trôi chảy.
Ánh nắng bắt đầu gay gắt mùa hè dần đến, chương trình cũng sắp hết, thầy Hiền dặn chúng tôi: “bay (chữ thân mật thầy gọi chúng tôi) về không đi học hè làm gì, cứ việc chơi thoải mái, bay ôn lại chương trình cũ xong rồi mua cuốn ‘Pour écrir corectement en francaise’ (không có mẫu c đi để viết Pháp ngữ cho đúng) của Nguyễn Bá Mậu về tự học.”
Giờ này tôi cũng không hiểu tại sao, thầy dạy vạn vật không nhắc chúng tôi học các môn khác mà lại nhắc chúng tôi học Pháp văn nhỉ? Thầy đem máy ảnh đến lớp và chụp chung một bô hình kỷ niệm. Thầy bảo chúng tôi xếp hàng xong, thầy bấm chế độ chụp tự động, xong thầy chạy lại. Trong hình anh mà nằm nghiêng dưới đất phía trước là anh Trần Trí Năng, còn tôi, biết thế nào cũng có ngày chia tay và cần dữ liệu để nghiên cứu sau này, nên vội chạy vào lớp lấy ngay sách “Vạn vật học đệ lục của Nguyễn Cửu Triệp” ra ngồi sau anh Năng trương bìa sách lên và bây giờ khỏi cần ghi chú cũng biết ngay đó là lớp đệ Lục 2, giờ vạn vật của thầy Đinh Văn Hiền đã được bạn nào đó đưa lên mạng rồi. Tôi thấy sướng như điên đồng thời cảm ơn anh bạn đó rất nhiều.
Giờ này của đêm nay, ngồi ghi lại những dòng này, lòng tôi xao xuyến bâng khuâng, cũng tháng ngày này năm xưa, hoa me tây rơi rụng trước thềm lớp tỏa hương thơm nhè nhẹ, nữ sinh nhặt lên kẹp trên mái tóc ngang vai, tôi chạnh lòng nhớ tới thầy cô, bè bạn của lớp, ngày mới vào đệ thất, ngồi chép nội quy nhà trường với cô Đào, giáo sư hướng dẫn lớp tôi ở Cường Đễ cũ.
Trời hỡi! Hơn nửa thế kỷ rồi ư…!!!
Ngô Văn Tỏ
Số lần đọc: 2976