Để tưởng nhớ Thầy Đỗ Linh
Không biết các niên khóa trước, cũng như những niên khóa về sau, như thế nào không rõ. Niên khóa 1960-1961, chúng tôi vào Đệ thất thì học Hán văn với Thầy Đỗ Linh, mỗi tuần một giờ (một giờ là thời lượng dành cho mỗi bộ môn chứ không phải đúng 60 phút).
Giờ học đầu tiên, thầy dạy chúng tôi một trong bốn chữ “Nhân, Văn, Kim, Cổ”. Thầy viết, giảng nghĩa từng chữ rất tường tận… Học chữ “Nhân” thầy viết các nghĩa của chữ “Nhân” như Nhân vị, nhân loại, nhân đạo, nhân ái vân vân… Tuần sau học đến chữ Văn, thầy viết rồi giảng nghĩa như văn chương, văn vẻ, văn là nghe, văn là con muỗi vân vân… Một niên khóa chưa chắc học hết bốn chữ đó! Xong bốn chữ, thầy dạy chúng tôi bốn chữ tiếp” Tả,Hữu,Thủ, Túc.” Rồi năm chữ nữa ” Đại,Tiểu, Ngưu, Khuyển, Lực”.
Đến năm đệ ngũ, học năm chữ “Nhật, Nguyệt, Minh, Quang, Đồng”. Thầy Linh giảng: Nhật là ngày, nhật là mặt trời… Nguyệt là mặt trăng, nguyệt là tháng… như người phụ nữ mỗi tháng có một lần, gọi là nguyệt kinh…
Tôi là học sinh lý lắc, đùa nghịch nhất lớp, nên Cụ Tổng giám thị Lương thanh Danh đặt anh Nguyễn H., anh Nguyễn bá Thắng và tôi biệt danh “tướng giặc” của lớp Thất 2, Lục 2, rồi Ngũ 2.
Trong lúc Thầy Linh viết các chữ hán lên bảng, các bạn đang húy hoáy mím môi, mím miệng “vẽ” từng chữ hán nên lớp học im phăng phắc. Tôi ngồi dưới nói đùa:
– Dạ thầy! Nam sinh không viết chữ “nguyệt kinh ” hả thầy !
Tôi nói không lớn lắm, nhưng vì cả lớp đang yên lặng, nên Thầy Linh nghe được, thầy giận dữ quay lại nhìn ngược lên cặp kính trắng, hỏi lớn:
– Trò nào ? Trò nào nói ? đứng dậy coi ! Hừm ! Các trò có học tới Bác sĩ đi nữa cũng phải học chữ “nguyệt kinh” tại sao lại không viết !
Tôi sợ quá, không dám đứng dậy, biết mình lỡ lời đùa quá trớn, vừa vô lễ vừa khuấy động cả lớp cười ồn, thầy không phạt, cũng không bắt đứng lên !.Tôi thấy thương Thầy và hối hận vô cùng !
Giờ này nghĩ lại, tôi hỏi đến người bạn cùng lớp, nay là Tiến sĩ, Bác sĩ Trương Phi Hùng: “Hùng ơi! Hồi đó Thầy Linh la như vậy đúng không Hùng?” Hùng cười, tôi cũng cười !
Hơn nửa thế kỷ qua, chữ” HÁN” đầu đời của tôi là chữ “NHÂN” trong bốn chữ “Nhân, Văn, Kim, Cổ ” của Thầy Đỗ Linh và chứng chỉ” Ngôn ngữ học Việt mam” hạng “Bình thứ” do Giáo sư Lê Thành Trị , Khoa trưởng trường Đại Học Văn Khoa ký, được thiết lập tại Trường Đại học Văn khoa Sài gòn, là chữ”HÁN, NÔM” cuối cùng của đời tôi.
Sau năm 1975, tôi đã dùng chữ đầu của Thầy Đỗ Linh và chữ cuối của Đại học Văn khoa,để viết thuê “bức thờ” và chữ “triệu” (minh tinh) cho người chết, lấy tiền mua gạo !!!
Tôi không dám so sánh tôi với bậc thầy Phùng Quán. Song, khi đọc “Lời mẹ dặn” trong tác phẩm “Ba phút sự thật” của Ông, tôi thấy Phùng Quán rất vinh dự, và tự hào, vì Ông còn viết được văn lên giấy, viết được văn lên đá, để đời sau còn đọc được Ông ,hiểu được Ông! Còn tôi học chữ, viết chữ để… chôn xuống mồ, chỉ dành cho”ma” đọc!
Ngô Văn Tỏ
17-12-2012
Số lần đọc: 2745
Hán Văn
Bạn Tỏ,
Tôi học văn Khoa một năm, 1963, chỉ dùng một quyển sách Hán Văn Tự Học, mà nuốt trôi dễ dàng hơn 1500 chữ Hán, đọc lõm bõm báo tiếng Hoa, thi đậu chứng chỉ Việt-Hán.
Nhìn lại thời trung học, quý thầy mình dạy chậm quá dù sức tiếp thư của học sinh rất mau, rất rộng. Bây giờ tôi học tiếng Quang Thoại qua đĩa lúc đang lái xe. Họ dạy phương pháp tân tiến, thực dụng, may hiểu, mau biết nói.
Cảm ơn bạn đã nhắc lại những kỷ niệm thời học sinh. Chúc năm mới hạnh phúc.
RE: Học Hán văn với Thầy Đỗ Linh
[QUOTE] Hơn nửa thế kỷ qua, chữ” HÁN” đầu đời của tôi là chữ “NHÂN” trong bốn chữ “Nhân, Văn, Kim, Cổ ” của Thầy Đỗ Linh và chứng chỉ” Ngôn ngữ học Việt mam” hạng “Bình thứ” do Giáo sư Lê Thành Trị , Khoa trưởng trường Đại Học Văn Khoa ký, được thiết lập tại Trường Đại học Văn khoa Sài gòn, là chữ”HÁN, NÔM” cuối cùng của đời tôi.
Sau năm 1975, tôi đã dùng chữ đầu của Thầy Đỗ Linh và chữ cuối của Đại học Văn khoa,để viết thuê “bức thờ” và chữ “triệu” (minh tinh) cho người chết, lấy tiền mua gạo !!! [/QUOTE]
Cám ơn Anh đã nhắc đến Thầy Đỗ Linh và Thầy Lê Thành Trị … trúc có nghe kể một số học trò thích kêu Thầy Đỗ Linh bằng Ông Ngoại vì cháu ngoại Thầy rất xinh có lần làm lính của Hai Bà Trưng … còn con gái út của Thầy thì có lần làm Trưng Nhị … không biết hồi đó Anh có khi nào muốn gọi Thầy là Ông Ngoại hay Pa … sau mấy hiệp định 72-73 thì Thầy dạy Đại học đã biết miền Nam sẽ mất một ngày … một học trò nhìn ra nỗi khổ tâm của Thầy Trị khi thấy Thầy không ngồi đúng chỗ dành cho Thầy trên xe đưa đón Thầy đến trường … một học trò khác không chen lên được chuyến tàu chót rời Sài Gòn vì đi cùng với Bố ngồi trên xe lăn đã chứng kiến cảnh Thầy Trị cũng không thể chen lấn …