Trang sinh hoạt của Cựu Giáo Sư và Học Sinh trường Trung Học Cường Đễ Qui Nhơn

Trang NhàĐoản VănNgô Văn TỏHọc Việt Văn với Thầy Trần Quốc Sủng

Học Việt Văn với Thầy Trần Quốc Sủng

Để tưởng nhớ  Thầy Trần Quốc Sủng.

Thầy Sủng,người có nước da trắng,mập mạp,đặc biệt đôi mắt thầy đen, sáng và rất đẹp,và có tính khôi hài.

Năm đệ lục( 1962-1963) thầy phụ trách môn việt văn lớp chúng tôi. Tôi còn nhớ hôm thầy giảng về Lục vân Tiên, bài trích đoạn “Vân Tiên ra tay cứu Kiều Nguyệt Nga“. Sau khi giảng từng câu xong. Đến câu:

Vân Tiên nghe nói động lòng
Đáp rằng ta đã trừ dòng lâu la
Khoan khoan ngồi đó chớ ra
Nàng là phận gái ta là phận trai

Thầy giảng, vì ảnh hưởng lể giáo ngày xưa, nam nữ không được gần gũi nhau ”Nam nữ thị thọ bất thân”. Vân Tiên mới thốt lên câu ấy, và Thầy kết luận: “Vân Tiên là một khúc gỗ”, thì kiểng đánh đổi giờ. Thầy liền bước ra khỏi cửa , vừa đi vừa nói tiếp “Vân Tiên là một khúc gỗ. . .là một khúc gỗ… là một khúc gỗ. . .là một khúc gỗ . . , thầy nói cho đến khi hết dãy lớp đệ lục mới thôi !

Lớp chúng tôi có “con” Hoàng Thị Lệ Hiền (hồi đó gọi bằng con Hiền chứ bây giờ đứa nào, đứa nấy cũng từ 65 đến trên 70 tuổi hết rồi,  không dám gọi bằng ”con” nữa, mà gọi bằng “chị ” sợ chị giận,  chị về “đốt nhà”, không lấy gì để ở). Hiền là hoa khôi của lớp đệ lục 2, sau đó  là chị  Văn Thi Sang, chị Sang được nhà trường tuyển chọn làm Trưng Trắc  cưỡi voi duyệt binh, diễu hành trong Thị xã Qui nhơn nhân dịp kỷ niệm ngày lễ Hai bà Trưng năm ấy. Hiền đẹp cả tính tình, lẫn vóc dáng.

Trong một giờ cổ văn khác, Thầy Sủng  gọi  Hiền lên dò bài (kiểm tra bài cũ) trích đoạn “Thúy Kiều gảy đàn cho Kim Trọng nghe” ở phần “Ngày đoàn viên“. Hiền lên đọc  thuộc lòng vanh vách từ câu đầu tới câu:
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Khúc đâu đầm ấm dương hòa
Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh
Khúc đâu êm ái xuân tình
Ây hồn Thục đế hay mình Đỗ quyên

Do đoạn văn dài, hay do chị chưa thuộc hết, hay do nhiều từ riêng khó nhớ, hay thế nào mà đến đoạn ấy chị  tần ngần một lúc,rồi đọc tiếp: Khúc đâu êm ái xuân tình…. Khúc đâu êm ái xuân tình… Khúc đâu êm ái xuân tình……..

Để nghĩ câu tiếp theo,Hiền càng lúng túng.Chúng tôi bắt đầu cừơi khúc khích.    

Mới học lớp đệ lục, bọn nam sinh chúng tôi còn nhỏ quá, còn dùng súng phun nước bằng  nhựa  đánh nhau,đâu biết gì “xuân tình”. Hiên đã lúng túng càng lúng túng hơn…….! .     

Thầy Sủng hỏi tiếp: “Rồi gì nữa ?

Hiền ấp úng…….. Hình như có bạn nữ nào đó, ngồi bên “nhắc tuồng ” nhưng Hiền nghe không rõ hay sao. Hiền đọc tiếp: “Khúc đâu êm ái xuân tình . Ấy hồn Thục đế hay mình Đỗ Linh” !!!

Chúng tôi bắt đầu cười lớn. Đúng  là thầy Sủng có tính khôi hài. Thầy không cười, mà bằng đôi mắt đen, sáng nghiêm nghị, thầy giả vờ hỏi tiếp: ” Ủa! Cụ Đỗ LInh dạy Hán văn của trường mình chết rồi à?

Câu hỏi của Thầy Sủng, như một phát lệnh cho phép chúng tôi cười “cho đã” một bữa!. Thầy cho Hiền ngồi xuống. Lúc bấy giờ thầy Sủng mới cùng cười với chúng tôi rất thân thương!!

Tại sao tuổi học trò nhiều chuyện vui quá vậy ta ! !

Ngô Văn Tỏ

   Số lần đọc: 2581

BÌNH LUẬN

Vui lòng viết bình luận của bạn
Vui lòng điền tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả