Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • CD4 1200
  • hinhCu 1200
  • NhaGiuXe1200
  • DaiThinhDuong1200

Phần 2: 1968-1972

Cũng như hầu hết các tỉnh thành ở miền Nam, mùa xuân 1968 ở QN bắt đầu bằng biến cố tết Mậu Thân kinh hoàng. Chiều ba mươi tết, trong khi mọi nhà đang chuẩn bị đón xuân bỗng xe phóng thanh chạy khắp đường phố thông báo lệnh giới nghiêm, cấm đốt pháo, quân nhân công chức cắm trại 100%... Trước đó cảnh sát đã bắt được một số người trên chiếc xe lam có chở vũ khí tại bến xe đường Gia Long. Qua khai thác, an ninh quân đội (ANQĐ) đã bắt được các cán bộ giao liên chủ chốt vừa xâm nhập vào thị xã. Viên đại úy trưởng phòng đích thân thẩm vấn tại nha ANQĐ ở góc Tăng Bạt Hổ-Cường Để, và biết được kế hoạch tấn công trong đêm giao thừa. Có điều lạ là viên SQ này không báo cáo cấp trên ngay hôm đó và cũng không đề nghị các biện pháp tăng cường an ninh cho các công sở trọng yếu.

Đài Phát Thanh Qui Nhơn, Tết mậu Thân 1968

Những phút giao thừa đầu tiên trôi đi khá im ắng, lác đác một vài tiếng pháo lạc lõng. Bỗng nhiên hàng loạt tiếng nỗ dữ dội vang lên từ phía nha an ninh. Toán đặc công ém sẵn trong nội thị đã nhanh chóng đánh chiếm mục tiêu, giải thoát các cán bộ và bắt giữ binh lính đồn trú. Sau đó toán này tiến chiếm quân vụ thị trấn kế cận rồi dễ dàng chiếm luôn ty TT và đài phát thanh trên đường Võ Tánh. Một nhóm nhỏ đặc công khác cũng dễ dàng chiếm giữ lầu bà Đệ, một khách sạn tư nhân ở đầu đường VT, đối diện công viên. Ngôi nhà 4 tầng này là vị trí lý tưởng để quan sát hướng tiến quân vào sân bay, tòa tỉnh. Nhóm này có lẽ là ban chỉ huy tiền phương của chiến dịch đã thâm nhập vào thị xã trước đó và đang chờ liên lạc với lực lượng tác chiến đang chờ sẵn tại vùng ngoại ô. Nhưng có lẽ cả hai nhóm đều không biết rằng thời điểm phát động chiến dịch đã được dời lại một ngày vì các cán bộ giao liên đã bị bắt trước đó. Sáng mùng một, sau khi chiếm ty TT toán đặc công đã bố trí hỏa lực khống chế ngã tư đường VT-TBH. Tình hình khá yên tĩnh suốt buổi sáng mùng một. Quân chính phủ bị bất ngờ không phản ứng kịp và chưa thể tổ chức lực lượng phản công vì chiến sự cũng đồng thời diễn ra tại Phù Cát, Phù Mỹ. Quân giải phóng (GP) đi từng nhà nhét truyền đơn yêu cầu đồng bào ở yên trong nhà chờ nghe thông báo của Cách mạng trên đài phát thanh. Quân GP khá trẻ, có vẻ thân thiện và được trang bị vũ khí lạ. Trong khoảnh khắc ngưng tiếng súng, có người ngồi tựa vách tường lổ chổ vết đạn đọc thư nhà. Thoạt đầu dân chúng trong khu vực nghĩ rằng đây có lẽ là một cuộc cách mạng khác mà quân đội SG thường tiến hành nên vẫn ở yên trong nhà đón tết. Tuy nhiên buổi phát thanh ấy không thực hiện được vì các nhân viên kỹ thuật chính của đài đã về nhà đón tết. Lúc này đơn vị quân GP ém sẵn tại Tuy Phước được lệnh tiến vào thị xã nhưng bị đánh chặn tại khu vực cây xăng ông Tề, đường Đống Đa. Đơn vị này có thể là mũi tiến công phi trường, tòa Tỉnh mà BCH tiền phương ở lầu bà Đệ chờ phối hợp. Chiến sự diễn ra ác liệt làm dãy nhà dân sát chân núi bà Hỏa bốc cháy dữ dội khiến đơn vị này phải rút chạy. Sáng mùng hai, lực lượng phản công tổ chức một đơn vị hỗn hợp lính và cảnh sát cố tiếp cận ty TT nhưng bị đẩy lùi, có lẽ do thiếu kinh nghiệm tác chiến trong thành phố và không có hỏa lực mạnh. Các cuộc giao tranh lẻ tẻ diễn ra suốt cả buổi chiều. Qua mùng ba, lính ĐH được điều động đến phối hợp phản công nhưng bị hỏa lực tại ty TT bắn chặn. Đến trưa, một khẩu đại bác 105 ly được tăng cường để yểm trợ lực lương phản kích. Khẩu đại bác trực xạ mục tiêu dữ dội khiến tòa nhà trở thành đống gạch vụn. Toán đặc công còn lại chạy qua đài PT cố thủ nhưng sau vài đợt tấn công tòa nhà phát hỏa thì buộc phải tháo chạy và ẩn nấp trong khu nhà dân. Vài căn nhà ở đường Bà Triệu, Bùi Thị Xuân trúng đạn bốc cháy khiến dân chúng hoảng loạn chạy trốn. Một số quân GP tản mát trà trộn trong dân chạy ra đường Nguyễn Công Trứ đều bị đón bắt. Một toán nhỏ chiếm được căn nhà 4 tầng (nhà Trung tá Túy) đối diện trường tiểu học Nguyễn Huệ ở đường NCT. Từ ngôi nhà này quân GP đã bắn tỉa gây nhiều tổn thất. Cuộc phản kích chỉ kết thúc khi khẩu pháo 105 ly đặt tại đường CĐ san bằng ngôi nhà này và khu nhà kế cận trên đường NCT đoạn từ đường BT-VT. Khu vực dân cư này là nơi bị tàn phá nặng nề nhất, nhưng may mắn là không có ai thiệt mạng vì đã kịp thời di tản khi xảy ra chiến sự. Trong lúc đó một đoàn ghe chở nhiều người từ Hội Lộc với cờ xí băng qua đầm Thị Nại tiến về tiếp quản thị xã. Bất chấp lời yêu cầu đồng bào phải quay trở lại phát ra từ loa phóng thanh trên chiếc trực thăng đang quần đảo trên mặt đầm, đoàn ghe vẫn thẳng tiến. Nhưng chẳng có chiếc nào đến đích và cũng có ai thoát được hỏa lực từ chiếc trực thăng này. Ở phía trung tâm thị xã, sau vài ngày chờ đợi vô vọng, số phận của toán đặc công ở lầu bà Đệ kết thúc thật bi thảm. Cuộc đọ súng không cân sức kết thúc nhanh chóng, những người bị bắt sống bị xử bắn tại bức tường trước tòa nhà. Đến mùng bốn, lực lượng phản công hoàn toàn kiểm soát tình hình và bắt đầu lục soát, truy bắt quân GP còn ẩn nấp trong nhà dân. Những ngày sau đó ANQĐ tiến hành dò tìm vũ khí được chôn dấu và thi thể viên SQ trưởng phòng mất tích. Trong sân một nhà in trên đường BT người ta đào được nhiều vũ khí các loại. Các xác chết đều được đối chiếu nhân dạng viên SQ. Một số xác bị cháy đen và một số xác bị thú (chó đói) ăn hoặc bắt đầu phân hủy, nhưng không có thi thể viên SQ. Căn cứ trên chiếc xe jeep cấp riêng cho viên SQ vẫn còn nguyên vẹn trong sân, ANQĐ cho rằng viên SQ trên không rời nhiệm sở trong đêm giao thừa. Có thể ông ta bị bắt rồi bị thủ tiêu hoặc đã "trốn" thoát đâu đó. Cuộc tìm kiếm không đạt kết quả và chìm trong quên lãng. Cho đến sau 75 mới thấy ông trở về trong cương vị cán bộ thương nghiệp. Bí ẩn đã được giải đáp tuy khá muộn màng. Cuộc tiến công xuân Mậu Thân ở QN diễn ra khá ngắn ngủi nhưng nó khắc ghi một sự kiện khó phai mờ trong lòng người dân. Nỗi ám ảnh đó có khi thể hiện một cách vô thức trong đời sống thường ngày. Mùa hè năm đó vùng biển QN trúng đậm mùa cá khoai. Loại cá này thịt mềm, trắng như thạch được dân nghèo ưa chuộng. Sau vài ngày khắp chợ xôn xao lời đồn cá năm nay rộ và béo là do rỉa "mấy ổng" chết trôi trên đầm hồi tết. Mùa cá khoai này gợi lại một góc khuất ký ức chua xót, những thảm kịch của chiến tranh năm ấy.

Về mặt quân sự thì chiến dịch này không thành công. Thiệt hại nặng nhất là các cơ sở nằm vùng cũ đều bị bộc lộ nên SVHS là đối tượng được nhắm đến để gầy dựng lại tổ chức. Qua vụ "đêm không ngủ" ANQĐ nhận thấy có Gs và Hs tham gia tổ chức chính trị nên bắt đầu chú ý. Và cũng không hẳn là ngẫu nhiên sau đó trường CĐ tiếp nhận nhiều Gs biệt phái từ quân đội chuyển sang. Trong nội bộ trường cũng có lời bàn tán thầy này, thầy nọ là an ninh gài. Cơ sở tình báo cách mạng cũng không bỏ qua lời đồn này và tiến hành truy tìm tung tích đặc vụ này. Theo báo cáo từ các Hs thì thầy Huỳnh hữu D. có khuynh hướng thân Mỹ, phê phán Cách mạng ... trong các bài giảng nên nghi là đặc vụ. Cơ sở cách mạng tại trường CĐ được lệnh phải trừng trị, để răn đe các thầy khác. Sau khi điều nghiên, cơ sở báo cáo thầy có thói quen mỗi khi vào lớp là mở ngăn kéo bàn để cất vật dụng, tài liệu giảng dạy. Tổ công tác lập phương án là gài chất nổ ở ngăn kéo vào ngày thầy có giờ giảng. Biện pháp này sẽ có tác dụng răn đe hiệu quả hơn so với cách xử lý ngoài đường phố. Kế hoạch được thông qua, nhưng giờ chót được hủy bỏ do e ngại vụ nổ có thể gây thương vong cho các bạn ngồi bàn đầu. Kế hoạch thay thế đề nghị chỉ áp dụng biện pháp cảnh cáo. Hồi đó Hs trực phải đến lớp sớm để quét lớp, lau bảng, lau bàn ghế Gs, nên việc thực hiện kế hoạch này rất thuận lợi. Thư cảnh cáo được đặt trong ngăn kéo và dằn bằng một viên đạn sáng bóng vào ngày thầy có tiết dạy. Ngày hôm đó, như thường lệ thầy ngồi vào bàn, mở ngăn kéo rồi lặng lẽ đọc thư. Trừ tổ công tác, cả lớp đều không biết vì sao thầy ngồi im lặng, mặt tái xanh rồi chuyển sang đỏ bừng, mồ hôi toát ra như tắm. Một lúc sau thầy đứng lên rồi bắt đầu giảng bài như thường lệ. Có lẽ các bài giảng sau đó có lời lẽ bớt gay gắt hơn nên kế hoạch coi như đạt mục đích và kết thúc lặng lẽ. Gần 10 năm sau, có câu chuyện ngoài lề khác liên quan đến thầy. Có anh bạn giáo viên nhận nhiệm vụ tuyển sinh đại học. Trong đống hồ sơ tuyển sinh đạt điểm trúng tuyển, thí sinh có tên Huỳnh hữu QN, cái tên đồng hương BĐ rất đặc biệt khiến anh lưu ý. Khi xem hồ sơ anh bạn này nhận ra thí sinh này là con của thầy giáo cũ. Đáng chú ý là hồ sơ có đóng dấu đỏ "không tuyển sinh" của địa phương trong phần khai lý lịch. Chuyện học tài thi "lý lịch" là chuyện hiển nhiên trong những năm đầu giải phóng dầu không công khai. Lẽ ra anh dễ dàng loại bỏ hồ sơ này như hàng trăm hồ sơ khác tương tự không chút bận tâm, nhưng anh đã không làm điều đó. Một chút trầm ngâm anh bạn kể coi như là để trả ơn thầy. Tất nhiên anh phải giữ kín như là một bí mật nhỏ trong đời sống buổi giao thời. Tình thầy trò thiêng liêng nhiều khi được thể hiện âm thầm bằng những điều vụn vặt của cuộc sống.

Đầu năm 1972, một sự kiện chấn động thành phố xảy ra và thường được nhắc đến là vụ nổ sân vận động. Ngay trong tháng đầu tiên về nhậm chức tỉnh trưởng, đại tá Nguyễn văn C. đã thực hiện nhiều việc chấn chỉnh hoạt động của các công chức, quân nhân để đối phó tình hình chiến sự đang gia tăng trong địa bàn tỉnh nhà. Viên đại tá được đánh giá là đầy triển vọng với nhiều thành tích chống tham nhũng, nhiều chiến công trên chiến trường. Để xây dựng và củng cố phong trào thanh niên, SVHS trong thị xã, ông tỉnh trưởng (TT) tổ chức một đêm lửa trại tại sân vận động. Các Hs khối lớp 12 của các trường trung học CĐ, NTH, TV, giáo sinh trường SPQN và các đoàn thể thanh niên như Gia Đình Phật Tử, Hồng thập Tự và Hướng Đạo Sinh (HĐS) được triệu tập về tham dự buổi sinh hoạt. Tin này nhanh chóng đến tai tình báo viên nội thị. Tổ công tác Hs được lệnh tổ chức ám sát viên đại tá ngay trong buổi lửa trại. Buổi chiều hôm ấy các đoàn thể thanh niên đến cùng lúc khiến các nhân viên an ninh không thể kiểm soát chặc chẽ. Các đơn vị tập trung đúng vị trí được sắp xếp trong sân. HĐS được giao nhiệm vụ phụ trách lửa trại nên ngồi vòng trong quanh đống củi lửa trại, khối Hs các trường được xếp đứng vòng ngoài. Ban tổ chức cho lắp đặt hệ thống âm thanh, ánh sáng khá quy mô trong khu vực buổi lễ. Khoảng 7 giờ đoàn xe của tỉnh trưởng và quan chức tiến vào cổng. Viên đại tá mặc quân phục, áo giáp và đội nón sắt như đang hành quân trên chiến trường đã tạo ấn tượng mạnh cho lớp thanh niên. Ông TT bước lên khán đài theo sau là các cận vệ và quan khách tỉnh đường. Khán đài sân vận động QN thời đó có mái che và có khoảng 15 bậc thềm xi măng. Mỗi khi có sự kiện ban tổ chức mới xếp ghế cho quan khách danh dự ngồi ở các bậc thềm cao nhất. Các khối Hs đứng tách biệt dưới sân. Sau bài diễn văn ngắn của ông TT, buổi lễ tiến hành trong không khí náo nhiệt. Em kha sinh (HĐS) làm quản trò đã dẫn dắt đêm lửa trại khá thành công. Đây là lần đầu tiên các phong trào đoàn thể SVHS ngồi chơi chung đêm lửa trại, đóng góp các tiết mục văn nghệ với tinh thần thân ái, đoàn kết. Khoảng 8.30 các sói con (HĐS) ra về trước vì đêm đã khuya và tiếp theo đó là các nữ sinh TV và giáo sinh SP. Cuối buổi lễ ông TT ngẫu hứng ôm đàn hát tặng một ca khúc nên được hoan hô nhiệt liệt. Trong lúc đó tổ ám sát không dự liệu được tình huống là bị cô lập ở khu vực dưới sân cách xa khán đài. Một người có kinh nghiệm cũng khó ném lựu đạn trúng mục tiêu ở vị trí trên khán đài cao 5m và cách xa 20m.Thời điểm kết thúc buổi lễ đã đến và tổ công tác Hs có nguy cơ hủy bỏ kế hoạch vì không thể tiếp cận mục tiêu được các cận vệ trang bị đầy đủ bảo vệ nhiều lớp. Buổi lễ kết thúc tốt đẹp mọi người kéo nhau ra về. Thảm kịch sẽ không xảy ra nếu ông TT lên xe ra về dưới sự hộ tống của cận vệ. Thế nhưng đột nhiên ông bước xuống cuối khán đài để bắt tay chào các giáo viên, các huynh trưởng phụ trách các đoàn thể. Ngay lúc đó một quả M26 từ phía sau khối Hs bay về phía ông. Một thiếu úy trong đội cân vệ nhặt được quả lựu đạn và ném xuống sân, rồi đẩy ngã và nằm đè lên người ông TT. Quả lựu đạn ngẫu nhiên rơi trúng đống lửa trại tạo nên một hiệu ứng nổ kinh hoàng với củi lửa văng tung tóe. Lúc vụ nổ xảy ra chỉ còn các thiếu sinh, kha sinh (HĐS) quanh đống lửa. Tuy nhiên chính những thanh củi và vị trí ngồi cách xa đống lửa của HĐS đã hạn chế tầm sát thương. Riêng em kha sinh quản trò đang đứng điều hành lửa trại và một vài HĐS, Hs ngẫu nhiên đứng gần đó là bị thiệt mạng tại chổ còn phần lớn chỉ bị thương. Mảnh lựu đạn văng xa đến tận khán đài làm bị thương vài quan khách, giáo viên. Trong số đó có thầy Trần quang K. bị thương nặng và phu nhân của thầy là cô Đặng thị Y. Giáo sư trường NTH bị thiệt mạng. Vụ nổ tạo nên một quang cảnh hỗn loạn vì số nạn nhân khá đông mà phương tiện xe cứu thương lại thiếu. Hành lang bệnh viện dân y tỉnh đêm ấy chật cứng nạn nhân và người thân. Sau đó bệnh viện Thánh Gia cho xe chuyển nạn nhân về điều trị nên tình hình đã bớt căng thẳng. Ngay tối đó viên đại tá TT với miếng băng dính trên trán xuất hiện trên truyền hình trấn an dân chúng và hứa sẽ trừng trị thủ phạm. Lời hứa ấy ông không thể thực hiện vì qua hôm sau ông được thuyên chuyển về bộ tổng tham mưu rồi nhậm chức Cục trưởng cục quân cụ.

Sự kiện khởi đầu bằng tiếng nổ dữ dội nhưng lại được kết thúc âm thầm đáng ngờ. Chính quyền tỉnh im lặng, không tố cáo vụ nổ trước công luận nên đã dấy lên lời đồn rằng vụ nổ là chuyện nội bộ "phe ta đánh phe mình". Nhóm đưa ra "thuyết âm mưu" lý giải rằng có thể đây là việc tranh dành lãnh địa "làm ăn" của mấy ông tướng tá. Củng cố cho thuyết này là các sự kiện riêng lẻ xảy ra ở QN trước đó. Vụ lục soát thu giữ bạch phiến tại nhà người thân của ông tướng vùng Ngô D. tại đường Hai bà Trưng được đáp trả bằng vụ nổ để dằn mặt ông TT háu thắng mới về nhậm chức. Tuy nhiên "thiệt hại phụ" quá nặng nề vì tất cả nạn nhân đều là Hs, Giáo viên nên chính quyền không dám đưa ra công luận. Đáng chú ý là không ai thống kê số nạn nhân thiệt mạng, bị thương cũng như tổ chức ủy lạo, thăm hỏi và truy bắt thủ phạm. Kết luận khá hợp lý của thuyết này là việc thuyên chuyển ông TT khá bất thường chỉ hai ngày sau sự kiện đã chứng minh điều này. Con số thương vong cho đến nay không thể biết được có bao nhiêu nạn nhân thiệt mạng trong vụ nổ. Có người phỏng đoán rằng con số đó là hơn 10 người, nhưng có người cho rằng chỉ khoảng 3, 4 người. Còn thủ phạm thì khoảng một tháng sau chính quyền thông báo lính Địa phương quân đã bắt được một kẻ tình nghi là thủ phạm trong y phục học sinh tại vùng núi quận Phù Cát. Thủ phạm khai nhận hoạt động một mình, không ai hổ trợ và thực hiện theo yêu cầu của cô gái (nội tuyến) bán café mà y có quan hệ tình cảm. Mặc dù động cơ gây án, hiện trường lúc bị bắt còn nhiều điểm mơ hồ, phi lý nhưng vụ án được đưa ra xét xử mau chóng và sự kiện được khép lại. Sau 75, cũng có vài nhóm người nhận "vơ" thành tích trên là của tổ mình. Tên tuổi các thành viên cùng số liệu thương vong của "địch" cũng được công bố nhưng lại khác biệt nhau, không thể kiểm chứng. Điểm chung mà các nhóm là không nêu ra là có Hs, Gv trong số nạn nhân, nên không đáng tin cậy. Có lẽ mục tiêu chính không đạt kết quả mà "thiệt hại phụ" lại quá nặng nề, nên nếu còn sống "tác giả" thực sự chắc cũng không dám lên tiếng là điều dễ hiểu. Thủ phạm là ai? Sau vụ nổ 40 năm, thắc mắc này được một anh bạn, đã từng có mặt trong đêm đó, nêu ra trong buổi họp lớp thường niên. Anh hỏi đùa người bạn học cũ hiện đang là quan chức đầu tỉnh: Có phải mày ném lựu đạn đêm đó? Anh bạn quan chức cười và phủ nhận. Một người bạn khác xác nhận không phải nó đâu, thằng lia lựu đạn không học trường mình (CĐ), tụi mày không biết nó đâu... Cuộc chiến rồi cũng kết thúc mang theo nhiều nỗi đau, nhiều điều không thể quên được, nhưng cũng có nhiều điều cần phải hòa giải cho nhẹ lòng nhau.

Nguyễn Trí Minh

Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất