Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • CD4 1200
  • hinhCu 1200
  • NhaGiuXe1200
  • DaiThinhDuong1200

Chỉ mục bài viết


3.

Lần đầu tiên, sau mười năm xa xứ, cô trở về thăm nhà. Khi máy bay chao lượn trên bầu trời quê hương, tâm trạng nao nao chợt quặn thắt trái tim cô. Ngồi bên cửa sổ, nên cô tha hồ nhìn ngắm cái thành phố đã từng mệnh danh là Hòn ngọc Viễn đông. Ôi chao! Hòn ngọc Viễn đông đây sao? Những mái nhà rong rêu cũ kỹ, nằm xơ xác phía dưới kia, nhưng đám ruộng khô cằn vì thiếu nước nằm im lìm dưới những cơn nắng gay gắt, và giòng sông xưa uốn khúc chảy ngang thành phố kia rồi. Có ai hứng giùm cô những giọt nước mắt như chực chờ rơi xuống. Cô rưng rức với cảm giác thương yêu này. Hai má cô nóng bừng. Lồng ngực cô nhảy múa. Vì sao ư? Vì lúc đặt chân xuống lòng thuyền của mười năm trước, cô đã không nghĩ đến có cái ngày trở về đặt chân trên mảnh đất đã nuôi dưỡng và cưu mang cô một đoạn đời. Cô nghĩ đến những con đường thân yêu xưa. Thành phố biển với những tiếng sóng ầm ì ngày đêm đã ru môt thời tuổi trẻ của cô, những bạn bè, những người thân đang chờ đợi để ôm cô vào lòng. Cô bùi ngùi với những cảm xúc đang đong đầy trong trái tim cô.

Về thăm nhà lần này, cô giữ theo mảnh giấy nhỏ anh đặt vào tay cô cách đây mười năm với địa chỉ của anh và trong ấy anh đã chúc cô đi may mắn. Mà cô may mắn thật. Quá may mắn. Cô đang nghĩ đến anh, đến chuyện muốn ghé thăm anh. Cô đã chẳng mong gặp lại anh đó sao? Vậy mà tự dưng khi nghĩ đến chuyện ghé thăm anh, cô ngại ngùng lo sợ. Cô sẽ nói gì khi gặp lại anh. Ngày xưa không nói gì thì bây giờ có gì để mà nói. Anh lập gia đình chưa? Con cái ? Đời sống ra sao? Bao nhiêu câu hỏi tự nhiên đến làm nặng cái đầu sau nhiều giờ ngồi trên máy bay đường dài. 

Đang rạo rực, nôn nao bỗng nhiên lòng cô chùng xuống. Cô không nhìn ra cửa sổ nữa. Cô nhắm mắt lại và cố dỗ giấc ngủ. Bất ngờ cô nghe phi hành đoàn thông báo chỉ còn hai mươi phút nữa, máy bay sẽ hạ cánh. Nhiệt độ bên ngoài là 38°C. Vừa mới nghe thông báo máy bay sắp sửa hạ cánh, thiên hạ nhốn nháo hẳn lên, đứng ngồi, kêu réo ồn ào, náo nhiệt dù máy bay vẫn còn bay trên bầu trời. Một cảnh tượng thật kỳ quặc. Thiên hạ tự động tháo dây an toàn, đứng lên, dồn hết về phía cửa sổ, để nhìn một quê nhà sau nhiều năm xa cách chăng? Cô không biết phải khuyên họ như thế nào cho sự an toàn của họ thì thêm một bất ngờ kế tiếp nữa, cô nghe trên loa phát ra những lời kêu gọi đầy lo lắng và phẫn nộ bằng tiếng Việt của một tiếp viên người Phi Luật Tân: "Xin bà con hãy về chỗ, buộc dây an toàn lại". Lời yêu cầu này lập lại rất nhiều lần cho đến khi thiên hạ về chỗ ngồi và buộc dây an toàn trở lại. Chỉ còn không đầy hai mươi phút nữa là chân họ đã chạm đất rồi mà! Nỗi mong chờ và hồi hộp đã làm họ thành những người không biết tuân thủ nội quy dưới con mắt của hành khách nước ngoài. Nhưng cô hiểu vì sao?

Máy bay đáp xuống, cô chờ đợi lấy hành lý. Lần đầu tiên mà, nên hai va li đầy ắp những món quà gói ghém biết bao tình nghĩa yêu thương trong ấy. Cô lại phải vượt qua những hạch sách của hải quan về hai cái va li không giống ai của cô, mà thật ra có muốn cô cũng không làm được. Cuối cùng cô cũng được ra khỏi cửa ải này dù không dễ chịu mấy. Áo cô ướt đẫm mồ hôi, tóc cô nhầy nhụa, bện thành từng mảng trông nhớp nhúa dưới cái nắng nung người miền nhiệt đới. Bởi cô đã phải khai báo giấy tờ và bị lục soát cả tiếng đồng hồ trong một căn phòng chật hẹp cho một chuyến bay đến hơn ba trăm hành khách với điều kiện còn quá thô sơ. Không máy lạnh, không một cái ghế, cái bàn hay một miếng bìa cứng để tựa vào đó mà khai. Vả lại, sau hơn ba mươi tiếng đống hồ của chuyến bay nhiều lần quá cảnh, thêm vào những khó khăn như thế, cô mệt lã người, muốn ngất xỉu.

Bước ra ngoài, nhận xét đầu tiên của cô là, trời ơi, người đâu mà nhiều quá, người đi đón, đi đưa chen lấn muốn ngộp thở luôn. Một người về, một người đi có thêm mấy mươi người đón đưa, sao không đông nghẹt như thế được. Cái nắng này, giòng người này đã không nhìn thấy trong mười năm qua làm cô bừng tỉnh. Một bó hoa trao tặng từ người thân làm cô thấy nắng dịu đi và lòng phơi phới. Cơn mưa bỗng oà xuống ngoài trời hoà tan cùng với những giọt nước mắt của cô. Cả nhà bao vây, ôm cô vừa khóc vừa tíu tít thăm hỏi như cô từ cõi chết trở về.

Cô mệt quá vậy mà về đến nhà có đi nằm được đâu. Trong mười năm, thư qua thư về với gia đình, cô không bao giờ kể về chuyến vượt biên, không bao giờ kể lể những khó khăn mà cô gặp phải. Cô viết ngắn gọn; con khỏe, em bình thường, việc học tốt đẹp....Thế đấy, nên đây là dịp để người thân biết rõ về chuyến đi, về đời sống trong mười năm qua của cô. Lời đầu tiên gia đình hỏi cô: "Tàu có bị cướp và bị hải tặc hành hạ không?". Chắc người thân muốn cô khỏi khó xử khi trả lời hay sao mà dùng một từ đẹp đẽ quá khi hỏi cô có bị hải tặc "hành hạ" không? Người ta chỉ lo sợ có một điều ấy thôi, còn cái đói, cái khát thì không? Họ đâu biết rằng, đói, khát cũng đau đớn lắm. Cô may mắn không bị hải tặc hành hạ nhưng cô suýt chút nữa đã không có cơ hội ngồi với người thân rồi. Cô kể nhiều chuyện, cô kể về chuyến vượt biên, về thời gian ở trại, về thời gian đầu lập nghiệp ở vùng đất mới như chuyện ngàn lẽ một đêm. Rồi cô thiếp ngủ đi trong vòng tay yêu thương của người thân sau nhiều năm xa cách.

Tình dậy đã bảy giờ tối, cô thấy đói bụng. Ăn chút cho đỡ đói. Cô nghĩ, hay là đi tắm sẽ tỉnh người ra. Khi những tia nước từ cái vòi sen chạm lên người cô, cô cảm thấy dễ chịu lạ thường. Không có nước nóng để tắm mà sao cô không thấy lạnh, trời nóng quá nên nước cũng nóng theo! Rồi cái thói quen xưa kia lại trở về, cô bắt ghế nhìn giòng người qua lại trước cửa nhà. Trong khi nhâm nhi ly trà đá, nhìn mông lung ra ngoài đường, bỗng dưng ý muốn đến thăm anh ùa về. Cô quyết định đi tìm anh. Cô không biết việc cô đến thăm có gây cho anh phiền phức gì không nếu anh đã lập gia đình. Cô tự hỏi mình nhiều lần như thế. Cuối cùng thì cô biết chắc là cô phải đi. Cô hỏi người nhà mượn chiếc xe đạp.
Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất